Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

"Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc sống"

Ngày bé mình nghe Mẹ nói là Mẹ rất thích Lão tử với Đạo Đức Kinh của Ngài. Chả biết Lão Tử là ai, Đạo Đức Kinh là gì nhưng mình nhớ những gì Mẹ nói. Nghe thì nghe vậy nhưng có hiểu gì đâu? Lớn lên tìm đọc Đạo Đức Kinh, cũng chả hiểu gì thêm…Nhưng nhìn cung cách sống của Mẹ thì tình yêu với Lão Tử lớn dần.

Biết (chứ chưa hiểu) Lão Tử trước khi đến với đạo Phật. Và thực sự đến lúc này thì yêu những gì Lão Tử dạy. Chỉ với 5000 chữ (Ngài bị bắt buộc viết ra thì mới được quan Doãn Hỉ cho đi qua biên ải) mà chứa đựng nhiều chân lí không dễ gì hiểu ngay được. Mình yêu sự hồn nhiên, trong sáng, hài hòa, giản dị, tự nhiên của Đạo Lão. Học thuyết của Lão Tử lấy "Vô danh" làm tôn chỉ lấy "Vô vi" làm phương tiện. Thời gian ngắn sau thì Đức Phật xuất hiện, rất gần gũi với những gì Lão Tử chiêm nghiệm. Phương Đông có may mắn đón nhận hai nhân vật lịch sử vĩ đại: Lão Tử và Phật Thích Ca Mâu Ni. Để hiểu triết học Phương Đông không thể bỏ qua hai nhân vật kiệt xuất này…Chưa bao giờ, mãi mãi không bao giờ, Khổng Tử sánh được với Lão và Phật về sự minh triết và các giá trị tâm linh sâu xa. Mới đây Trung Quốc có giải hòa bình Khổng Tử để đối lập lại giải Nobel của thế giới. Lần đầu tiên giải Khổng Tử được trao cho Putin (thủ tướng Liên bang Nga) tựa như biết là làm một việc vô nghĩa nhưng vẫn cứ làm vì sự cố chấp, gắng gượng. Sao cứ phải gồng mình làm cho mọi việc phức tạp thêm? Từ Khổng Tử và học trò của ông ta đã đẻ ra chế độ chuyên chế phong kiến thời nhà Hán. Từ Putin đang đẻ ra chế độ quân chủ chuyên quyền độc đoán kiểu Putin ở thế kỉ 21. Trao cho nhau là phải rồi…Nhưng mình hy vọng sẽ không có giải hòa bình Putin để trao cho Việt Nam nhé…Có thể có người bảo mình thiên vị Lão và Phật. Nhưng dù không có sự thiên vị của mình thì 5000 chữ của Lão Tử và các pho kinh Phật vẫn mãi mãi là chân lý. Nói như Krisnamuti thì “chân lý không có đường vào”. Bạn phải tự thực chứng chân lý thôi. Khi ấy bạn sẽ hòa mình trong chân lý. Bạn là chân lý hay chân lý là bạn…Có thể lắm…


Nhân đọc quyển “Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc sống” của tiến sỹ Wayner W.Dyer bắt gặp dòng này khi ông trích dẫn một đoạn trong “365 Tao: Daily Meditations” của Đặng Minh Đạo (356 Đạo: Những suy ngẫm hàng ngày”)…Wayner Dyer khuyên chúng ta là học cách đắm mình trong sự đơn giản của những điều được Đạo mách bảo. Nhưng không thể chỉ đọc mà phải thực hành các ý tưởng của nó, cảm nhận sự sâu sắc của nó. Lời khuyên của Lão Tử là dễ dàng, không cần phải gồng mình, không cần cố gắng làm cho mọi việc trở nên phức tạp. Đơn giản là hãy giữ cho bản thân mình hài hòa với bản chất của bạn…

Nếu bạn dành thời gian để nghiên cứu và tự tu dưỡng, bạn sẽ bước vào Đạo. Làm như thế, bạn cũng đi vào một thế giới của những cảm nhận khác thường. Bạn trải nghiệm những thứ không thể tưởng tượng ra, tiếp nhận những ý nghĩ và kiến thức tựa như chẳng đến từ đâu, cảm nhận những thứ có thể được xếp vào loại tiên tri. Nhưng nếu thử truyền đạt điều mà bạn nghiệm ra thì sẽ chả có ai hiểu bạn cả, chả có ai tin bạn cả. Càng đi trên con đường này, bạn sẽ càng xa dần các cung các cung cách bình thường của xã hội. Bạn có thể nhìn thấy chân lý nhưng bạn cũng sẽ nhận ra rằng, thiên hạ thích nghe các chính trị gia, giới nghệ thuật và những kẻ giảo hoạt.

Nếu bạn là tín đồ của Đạo, người ta sẽ tìm ra bạn, nhưng rất hiếm người hiểu được đúng nghĩa của Đạo. Họ là những người khai thác Đạo như một nơi nương tựa. Nói với họ về những điều kì diệu của Đạo thì chẳng ích gì.




Tại sao không đơn giản mà sống đời lặng lẽ? Hãy hưởng thụ Đạo theo ý của bạn. Mặc kệ người khác ngỡ bạn là câm. Miễn là trong lòng mình, bạn cảm được niềm vui về các điều huyền diệu của Đạo. Nếu gặp một ai đó muốn chia sẻ những trải nghiệm của bạn, bạn nên sẵn sàng. Nhưng nếu bạn chỉ là một kẻ lạc loài giữa đám đông xa lạ thì tuệ là im lặng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét